Loài Chim Không Chân

Chương 19




Giải Phóng ngẩng đầu nhìn về phía mẹ: “Mẹ, Ái Quân mất rồi.”
Nước mắt chảy dài trên khuôn mặt mẹ, nhưng biểu cảm lại như đông cứng lại.
Sau khi Giải Phóng chìm vào giấc ngủ, mẹ đến bên giường hắn trong bóng tôi, ngồi bên đầu giường hắn thật lâu, cũng thử gọi hắn: Giải Phóng, Giải Phóng ơi…
Giải Phóng không đáp lời.
Mẹ lại lặng lẽ rời đi.
Thật ra Giải Phóng không hề ngủ.
Khi trời gần sáng, bắt đầu đổ mưa nhỏ, loại mưa có lẫn những hạt tuyết, chúng đập vào cửa sổ thủy tinh rồi vỡ tan thành từng mảnh.
Tựa như bên ngoài có người sốt ruột chờ đợi đã lâu rồi ném đá vào cửa sổ, và có giọng thiếu niên trong trẻo kêu lên: Giải Phóng! Giải Phóng ơi! Đồ quỷ lười, còn không dậy đi.

Không đợi anh nữa nhé!
Úc Giải Phóng, Úc Giải Phóng, anh ngủ thành con heo rồi!
Giải Phóng mỉm cười, đẩy mở cửa sổ, cơn mưa phùn lạnh lẽo tạt vào mặt.
“Ái Quân, em ném hỏng cửa sổ nhà anh rồi, bắt đền em đấy!”
Thiếu niên Ái Quân ngậm cười đứng đó, sau đó lùi lại hai bước, rồi lại lùi hai bước nữa: Không đợi anh nữa đâu! Đoạn quay người bước đi.
52.
Giải Phóng ốm nặng một trận.
Thế nhưng với Giải Phóng, đây lại là một cơn bệnh hạnh phúc.
Trong cơn mơ hồ vì sốt cao, hắn đã nhìn thấy Ái Quân rất rõ ràng vô số lần.
Khi còn bé Ái Quân chăm bên giường bệnh của hắn, rồi đột nhiên trong miệng như có vị kẹo ngọt, ùa về từng chút từng chút một.
Ái Quân thời niên thiếu bị thương ở chân, nằm trên giường đất rồi tủi thân vùi đầu vào vai hắn nhăn nhó.
Trên chuyến xe lửa chuẩn bị lăn bánh, xuyên qua đám đông dày đặc, hắn trông thấy Ái Quân đang trôi nổi trong dòng người, trên tay cầm cây bút ra hiệu với hắn: Anh phải viết thư cho em, viết thư cho em!
Ái Quân thanh niên, sau nhiều năm xa cách, trên mặt lộ ra vẻ hạnh phúc khó tin.
Ái Quân ngồi trên xe đạp, dang rộng cánh tay, tựa như sắp bay lên theo gió.
Trong một ngày mưa mù, lấy ô làm tường, một khoảng trời nho nhỏ cùng niềm hạnh phúc tột cùng của khoảnh khắc quên đi tất cả.
Giấc mộng rõ nét nhưng im ắng, Giải Phóng cười rồi lại ngủ, ngủ rồi lại cười, chỉ là không muốn tỉnh lại.
Sau khi khỏi bệnh, Giải Phóng đến công xưởng từ chức.
Hắn được biết Cổ Lan và mẹ Tưởng cũng đã chuyển về tứ hợp viện ban đầu.
Vậy nên cứ vào đầu tháng, dưới cửa sổ nhà họ Tưởng lại đầy ắp những chồng than tổ ong; mỗi cuối tháng lại đều có củi gạo dầu muối cùng quần áo.
Viện Triều ra mặt nói với hai mẹ con nhà Tưởng, rằng đây đều là chút tấm lòng của hắn và đám thanh niên về quê năm ấy.
Giải Phóng cảm kích Viện Triều từ tận đáy lòng.
Đầu năm 77, con Ái Quân ra đời, là một bé trai.
Giải Phóng mua một chiếc khóa vàng nho nhỏ, nhờ Viện Triều đeo cho thằng bé.

Hắn chưa từng thấy đứa nhỏ, không biết nó có đôi mắt nòng nọc đen láy như Ái Quân hồi nhỏ không.

Liệu nó có giọng nói lanh lảnh, vẻ ngoài ngây thơ cùng tính tính mềm mỏng, và cả một số phận khác không?
Năm 83, Giải Phóng lợi dụng quan hệ gia đình buôn bán thép, thu được khoản tiền đầu tiên.
Đó là một con số mà trước giờ hắn chưa từng nghĩ tới.
Hắn để tất cả số tiền vào một cuốn sổ tiết kiệm rồi đưa cho Viện Triều.
Viện Triều nói: “Nhiều quá, sợ họ sẽ nghi ngờ mất.”
Giải Phóng bảo: “Tao gửi nhờ mày, mày đưa từng chút cho họ.”
Mẹ của Giải Phóng có một số người bạn cũ bắt đầu nhiệt tình giới thiệu đối tượng cho Giải Phóng.
Giải Phóng nghĩ, không nên ở lại Bắc Kinh nữa.
Trước khi rời đi, hắn muốn đi thăm một người.
Hắn chọn ban ngày bởi vì Giải Phóng biết Cổ Lan phải đi làm, sẽ không có ở nhà.
Mẹ Tưởng chầm chầm đi ra khỏi cửa, trên tay cầm một chiếc ghế nhỏ, trong tứ hợp viện có ánh nắng rất đẹp, rất an tĩnh.
Mẹ Tưởng sờ soạng ngồi xuống, trong mắt bà là một mảnh hỗn độn.
Bà đã không nhìn được nữa rồi.
Giải Phóng khẽ tay khẽ chân tiến lên hai bước, ngồi xổm xuống trước mặt bà, ngẩng đầu nhìn bà.
Giống như hắn vẫn là đứa trẻ vô tri của nhiều năm trước, háo hức chờ đợi mẹ nuôi nấu cho món ngon.

Mẹ Tưởng không nhìn thấy gì, tai bà trở nên rất tốt, bà hỏi: “Ai đấy?”
Hắn nín thở.
Mẹ Tưởng lại hỏi: “Ai vậy?”
Giải Phóng bất động.
Mẹ Tưởng như bỏ cuộc, xoay người hướng về phía mặt trời, nheo mắt lại.
Giải Phóng lùi bước, lúc sắp đến cổng thì mẹ Tưởng đột nhiên gọi: “Giải Phóng?”
Bà không quay người lại, lại gọi một tiếng: “Giải Phóng!”
“Đi đi.” Bà nói: “Đi rồi đừng về nữa!” Bà nhẹ giọng nói.
Giải Phóng loạng choạng bước khỏi cửa.

Một hơi lao ra khỏi hai con hẻm.
Đường đang được mở rộng, một lượng lớn gạch xanh được chất đống bên được, nền đất bị đào xới nham nhở.
Giải Phóng chẳng biết thế nào bước hụt một cái rồi ngã xuống, đầu nặng nề đập vào lề đường.
Cũng may vết thương không quá lớn.
Sau khi tỉnh lại, Giải Phóng phát hiện mình đã quên một số chuyện.
Sau đó, hắn chuyển đến Thâm Quyến.
Ký ức hơn mười năm, ào ạt ùa về tâm trí.

Cuộn trào nhưng không hỗn loạn.
Giải Phóng nắm bàn tay đeo chiếc nhẫn quen thuộc ấy, những giọt nước mắt kiềm nén hơn mười năm ùa ra.
53.
Giải Phóng đứng trước mộ Ái Quân.
Những hạt giống hắn gieo năm đó đã nảy nở mạnh mẽ, xuyên qua bia mộ, chúng mọc lên dày đặc lan ra một khoảng xa, tựa như nở rộ từ giấc mơ của những linh hồn đang say giấc ấy, đang lặng lẽ thổ lộ điều chi.
Trên bia mộ, nụ cười Ái Quân vẫn như cũ.
Giải Phóng nói với cậu: Ái Quân, em nhìn anh này, nhìn anh bắt đầu lại từ đầu, nhìn anh thay em sống tốt, sống những tháng ngày của chúng ta.
Giải Phóng cai rượu, hắn bỏ số tiền không nhiều còn sót lại đầu tư vào ngành công nghiệp may mặc, bắt đầu cuộc sống khó khăn nhưng phong phú.
Thời gian đầu tất cả mọi việc hắn đều tự làm, từ vào nam nhập hàng, một mình xách theo những túi lớn, không mua được vé ngồi thì mua vé đứng.

Nửa đêm hắn gối đầu lên hàng, nằm ngủ trên sàn xe lạnh lẽo cứng đanh, xe lửa lắc lư, bầu không khí thì âm u nặng nề nhưng hắn vẫn ngủ rất sâu.
Có một lần, nửa đêm oi ả, hắn chẳng ngủ được.

Trong lúc mơ màng, hắn cảm thấy có một đôi tay mát rượi khẽ vuốt ve vầng trán như một cơn gió nhẹ.

Cảm giác ấy quá đỗi quen thuộc mà ngọt ngào.

Giải Phóng mở hé mắt, khẽ cười.

Hắn biết em ấy ở bên hắn, có lẽ một ngày nào đó em ấy sẽ bằng lòng đến gặp hắn.
Dần dần, hắn có những người làm của mình, rồi mở rộng cửa hàng.

Về sau, hắn lại có xưởng gia công của riêng mình.

Về sau nữa, hắn thành lập thương hiệu quần áo riêng, rồi từ từ mở rộng sang các ngành nghề khác.

Sau đó, hắn xây tòa nhà của công ty mình.
Hắn trở thành một doanh nhân rất thành công.
Đồng thời hắn cũng là một doanh nhân kỳ lạ nhất.
Hắn ăn mặc giản dị, vẫn ở trong căn nhà cũ của quân khu năm ấy.

Chẳng có xe đưa đón, xe công ty ngoài việc làm ăn thì chưa thấy hắn lái bao giờ, hắn như một nhân viên văn phòng bình thường nhất.
Sau khi em gái gả chồng, mẹ yên tâm sống cùng hắn, cũng không bao giờ nhắc đến chuyện kết hôn sinh con với hắn.

Sau Tết Trung thu năm đó, mẹ Giải Phóng bị xuất huyết não, chỉ vài giờ đã rơi vào trạng thái hấp hối.

Trong mười mấy phút trước khi qua đời, mẹ đột nhiên tỉnh táo, giọng điệu bình tĩnh và rõ ràng một cách kỳ lạ.

Bà kéo tay Giải Phóng lại nói: Con à, mẹ xin lỗi.

Mẹ xin lỗi, con trai.

Chút nữa, mẽ cũng sẽ nói một tiếng xin lỗi với Ái Quân.
Mẹ qua đời.

Cuộc sống của Giải Phóng càng đơn giản hơn.

Hắn quyên góp tiền xây dựng trường học ở những vùng nghèo khó, nhận nuôi rất nhiều trẻ em mồ côi và khuyết tật, mỗi năm đều cho tụi nhỏ tiền sinh hoạt và giành thời gian đến thăm chúng.
Hắn bắt đầu ăn chay, hắn thấy mình ôn hòa, vui vẻ.
Tóc hắn đã hoa râm, nhưng dáng người vẫn cao lớn như cũ.

Hắn gần như từ chốt hết mọi hoạt động xã giao, thân cận hắn nhất chỉ có mấy người bạn Viện Triều, Dược Tiến.
Viện Triều cuối cùng cũng kết hôn, có một cô con gái.

Con bé hoàn toàn là bản sao của Viện Triều: lùn lùn rắn rỏi, bừng bừng sức sống.

Nó cắt tóc ngắn tũn như con trai, thân với chú Giải Phóng nhất, mỗi lần Viện Triều và Giải Phóng gặp nhau thì nó đều đi theo, đạp xe thật nhanh trong quân khu.
Viện Triều cười bảo: “Kết hôn muộn cũng có cái hại.

Chờ mày già rồi, về hưu rồi, con mày vẫn đang đi học.

Người ngoài nhìn vào lại chẳng biết là bố hay là ông.”
Giải Phóng cười lớn.

Viện Triều nhìn con gái, lại đùa: “Con nhóc này xấu thế kia, sau này không ai lấy thì phải làm sao?”
Giải Phóng bảo: “Không gấp, tự khắc sẽ có người hiểu được cái tốt của con bé đến cưới.”
Viện Triều nói: “Để sau con gái tao chăm lo tuổi già cho mày.”
Giải Phóng đáp: “Được!”
Mỗi năm có ba ngày, Giải Phóng sẽ biết mất khỏi tầm mắt mọi người cả ngày.
Ngày sinh, ngày mất của Ái Quân và Tiết Thanh minh.
Chắc chắn hắn sẽ đến viếng mộ Ái Quân.

Có lúc Viện Triều cũng sẽ đi cùng hắn.

Hắn cũng lập một cái bia cho Hồng Anh.

Ở một góc xa xa bên kia nghĩa trang.
Có lần, Giải Phóng gặp một thiếu niên bên mộ Ái Quân.

Giải Phóng ngồi xuống chân mộ Ái Quân, vỗ vỗ chỗ trống bên cạnh.
Thiếu niên nhìn chằm chằm hắn trong chốc lát rồi từ từ lại ngần, ngồi xuống.
Càng lớn, thiếu niên càng giống Ái Quân.


Chỉ là cậu rắn rỏi hơn, giữa hai hàng lông mày có nhiều hơn chút bướng bỉnh, đôi mày thanh nút mang nét trẻ con nhíu lại.
Giải Phóng hỏi: “Cháu sắp thi đại học rồi nhỉ?”
Thiếu niên Thiếu niên đáp: “Vâng, còn bốn tháng nữa.”
“Tính thi trường nào?”
“Tất nhiên là đại học Bắc Kinh.”
“Đứa trẻ ngoan, có chí khí lắm!” Giải Phóng cười.
Thiếu niên túm lấy đám cỏ bên cạnh, xoa xoa trên đầu ngón tay khiến trên tay dính đầy nước màu xanh lục.

Giống như đã hạ quyết tâm, cậu hỏi: “Mẹ cháu bảo, chú là bạn từ bé của bố cháu?”
“Phải.”
“Bố cháu, là người thế nào? Mẹ không hay nhắc về bố.”
“Bố cháu từ nhỏ đã là đứa bé ngoan, học sinh giỏi, thành tích tốt, chú không so nổi.

Cậu ấy hiểu chuyện, hiểu thảo lại lương thiện, gặp người không nói không cười.” Giải Phóng khẽ nheo mắt: “Bố cháu ấy à, lúc vui thì cười hân hoan hơn ai hết, nhưng một khi đã tức giận thì như con trai đóng miệng, dù có khuyên nhủ thế nào thì cũng không chịu hé răng.

Khiến người ta sốt ruộc chết đi được.

Bố cháu từng về nông thôn, khi ấy vất vả lắm.

Nhưng cậu ấy chưa từng nói.

Mọi công việc đồng áng cậu ấy đều học đâu ra đấy.

Lúc về thành phố làm trong công xưởng cũng thế.

Bố cháu từ bé đã thích ăn đường, đường cát trắng ấy.

Lúc nhỏ hễ có cơ hội là bọn chú lại lén lấy hũ đường ra ăn, cứ ngậm từng thìa đường to trong miệng, khi ấy cũng chẳng thấy ngán.

Cả đời bố cháu chưa bao giờ mặc bộ quần áo sang trọng nào, lúc nào cũng là áo vải quần vải trắng hoặc xanh.

Nếu không thì là quân phục cũ.

Cậu ấy cũng chưa từng oán trách bao giờ…”
54.
Thiếu niên yên lặng lắng nghe, tưởng tưởng như người bố trẻ tuổi trong bức anh đang còn sống trước mặt.
Thiếu niên thông minh giống Ái Quân hồi đó, tâm địa lại thiện lương, cậu không hề hỏi vấn đề khó xử và sắc bén: bố cháu chết như thế nào.

Giải Phóng gần như mang theo lòng biết ơn mà nói trọn hai tiếng đồng hồ.
Tất cả mọi chuyện vụn vặt liên quan tới Ái Quân.

Không đầu chẳng cuối, nhưng tràn đầy tình cảm.

Cứ nói mãi, đến mức hai người đều cảm thấy giống như người kia vẫn chưa qua đời, mà chỉ đang đi xa một chuyến, rất nhanh rồi sẽ có một ngày đột nhiên trở về.
Giải Phóng quay đầu nhìn khuôn mặt nghiêm túc của thiếu niên.

Một sinh mệnh trẻ trung, vầng trán đầy đặn, cánh mũi đổ một lớp mồ hôi mỏng.

Đây là huyết mạch của Ái Quân.

Giải Phóng nghĩ, thằng bé cũng là huyết mạch, là máu thịt của hắn.
Giải Phóng bảo: “Học hành cẩn thận, cháu học được đến chừng nào, chú đều sẽ tạo điều kiện cho cháu!”
Tưởng Thanh cười, hơi ngẩng đầu: “Chờ cháu thi đỗ rồi, qua năm nhất cháu sẽ vừa học vừa làm.

Cháu có thể nuôi sống bản thân, và nuôi cả mẹ nữa.”
Giải Phóng nói: “Mẹ cháu là một người rất tốt.”
Họ cùng bắt chuyến xe ngoại ô tròng trành về thành phố.

Trước lúc chia tay, Tưởng Thanh bỗng gọi hắn: “Chú Giải Phóng!” Cậu vẫy tay tạm biệt hắn.


Đôi mắt Giải Phóng ướt nhòe.
Nửa năm sau, con trai Ái Quân nhận được thông báo nhập học của đại học Bắc Kinh.
Giải Phóng nhận được tin, vội vã đến nhà Cổ Lan.
Cổ Lan già đi rất nhiều, nhưng vẫn dịu dàng điềm đạm như cũ.
Cô nói: “Thằng bé muốn ra thăm mộ bố, báo tin vui cho bố nó.”
Giải Phóng bảo: “Tôi cũng đi cùng.”
Cổ Lan gật đầu, được, cô nói.
Được.
Họ mang theo bánh mới và trái cây tươi.

Tưởng Thanh mở thông báo nhập học ra đặt trước mộ.

Thiếu niên tự hào và hạnh phúc như đứng trước mặt bố thật.

“Bố ơi, nhìn này.” Cậu nói.
Trước khi rời đi, Cổ Lan lấy từ trong túi ra một chiếc túi nhỏ được quấn chặt trong khăn tay.

Mở ra xem, là hai bức thư.

Cổ Lan lấy ra một bức, đưa cho Giải Phóng.
“Là thư Ái Quân viết cho anh trước khi mất.”
Cổ Lan nhớ lại những gì Ái Quân nói trong lá thư viết cho mình: Đời này, người mà anh có lỗi nhất, là em.

Anh xin trao quyền này lại cho em, nếu như em vĩnh viễn không thể tha thứ cho bọn anh, thì hãy hủy lá thư này đi.
Sau đó, Cổ Lan lại tháo chiếc nhẫn trên tay ra, miết nó giữa các đầu ngón tay hồi lâu rồi cũng để vào tay Giải Phóng.
Cô nói: “Đây là thuộc về anh.”
Giải Phóng nhận lấy chiếc nhẫn được cầm đến ấm lên, giữ nó trong lòng bàn tay.
Hắn cẩn thận mở thư, bức thư đã được dán kín bao nhiêu năm.
Thư rất ngắn, Giải Phóng đọc từng chữ từng chữ một.

Hắn đọc hết lần này tới lần khác.

Đó là bức thư mà hắn đọc cả đời này cũng chẳng đủ, cũng là niềm hạnh phúc mà hắn sẽ mãi mãi giấu nơi đáy lòng không cho người khác biết.
Giải Phóng mỉm cười gấp lá thư lại, sau đó đeo chiếc nhẫn vào ngón áp út tay trái.
Khi quay đầu, Giải Phóng phảng phất như nhìn thấy Ái Quân đứng bên cạnh mình, cậu mặc bộ quần áo cũ, khuôn mặt yên bình, vẫn là bộ dạng thiếu niên, chẳng có chút dấu vết năm tháng gió sương.
Ái Quân quay mặt qua nhìn Giải Phóng, cậu bảo: Giải Phóng, Giải Phóng à, anh có tóc bạc rồi.
Giải Phóng đáp: Già rồi, Ái Quân.

Anh già rồi.

Anh thật sự nhớ em.
Trên mặt Giải Phóng như có chút ngại ngùng, cậu ngước lên nói: Giải Phóng ơi Giải Phóng, anh nhìn mây trên trời kìa, đẹp biết bao.
Giải Phóng ngẩng đầu nhìn lên trời: Đúng là đẹp lắm Ái Quân ơi.
Đời này, vẫn còn bao xa; một mình anh, vẫn còn bao lâu đây?
Chẳng qua cũng tốt, Giải Phóng nói với Ái Quân, em vẫn luôn thu lại nhỏ xíu xiu nép vào ngực anh, trốn ở đó.

Qua mấy năm nữa, chúng mình sẽ mãi ở bên nhau.

Lúc đó, xin em hãy kể anh nghe nhiều thật nhiều những chuyện anh muốn biết: nỗi uất ức của em, nỗi đau của em.

Hãy kể với anh tất cả, được không em?
Giải Phóng hình như thấy Ái Quân mỉm cười tinh nghịch, hình như nghe thấy cậu nói: Được chứ!
Giải Phóng bảo, vẫn còn một câu nữa.
Ái Quân hỏi: Gì vậy?
Tưởng Ái Quân, anh sẽ mãi mãi yêu em!
Phía chân trời, đám mây trôi như tuyết trắng cuộn trào, tựa đóa hoa lặng lẽ nở rộ trên bầu trời..




DMCA.com Protection Status